Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) mới,ămBộnew hentai trong đó điểm mới là mỗi trường học sẽ thành lập hội đồng lựa chọn SGK. Khi được ban hành, việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông không còn thuộc về UBND tỉnh, TP như hiện nay.
TRẢ LẠI QUYỀN CHỌN SGK CHO GIÁO VIÊN LÀ ĐƯƠNG NHIÊN
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), nói việc trao quyền chọn SGK cho các nhà trường là đúng và phù hợp. Bộ GD-ĐT phê duyệt SGK phổ thông. Về nguyên tắc, dùng cuốn SGK nào trong số SGK đã phê duyệt cũng được. Do đó, quyền chọn cuốn SGK nào thuộc về người dạy (giáo viên) và người bỏ tiền mua SGK (phụ huynh) là đương nhiên.
Tuy nhiên, ông Khang cũng bày tỏ băn khoăn về các quy định trong dự thảo về việc thẩm định hồ sơ, phê duyệt kết quả lựa chọn của các cấp quản lý phòng GD-ĐT, UBND cấp huyện, sở GD-ĐT, UBND cấp tỉnh. Công việc thẩm và phê duyệt quá phức tạp, cồng kềnh… Ông Khang đề xuất nên giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình về việc lựa chọn SGK cho cơ sở giáo dục. Cơ sở giáo dục với đội ngũ giáo viên (GV) trực tiếp giảng dạy, họ có đủ khả năng lựa chọn SGK cho học sinh (HS) của mình và chịu trách nhiệm với quyết định đó.
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, người từng có ý kiến gay gắt về việc giao quyền chọn SGK cho một hội đồng của tỉnh, TP, đồng tình với dự kiến trả lại quyền chọn sách cho GV, nhà trường. Bởi hơn ai hết, GV là người đứng lớp dạy học sẽ hiểu sách nào hay, phù hợp, đồng thời việc này giảm thiểu được cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xuất bản, đảm bảo việc chọn sách khách quan, minh bạch hơn trước đây.
Một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, lâu nay UBND TP.Hà Nội vẫn quyết định lựa chọn SGK theo chủ trương tất cả các SGK được Bộ GD-ĐT phê duyệt thì UBND TP cũng phê duyệt lựa chọn để đáp ứng tối đa nhu cầu, mong muốn lựa chọn của các cơ sở giáo dục. "Dù là số ít hay số nhiều thì đều cần được tôn trọng vì họ lựa chọn dựa vào điều kiện dạy học và đối tượng HS mà họ đang giảng dạy. Do vậy, Bộ GD-ĐT trả lại quyền lựa chọn SGK cho các nhà trường là hoàn toàn phù hợp với đòi hỏi của thực tế", vị lãnh đạo này nói.
Bà Phan Hồng Hạnh, GV Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho biết việc tôn trọng ý kiến của GV trong lựa chọn SGK mới là vô cùng quan trọng. Trên thực tế, đặc điểm của HS các vùng miền không giống nhau cũng như điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế của các địa phương cũng khác nhau. Vì vậy, GV là người nắm bắt rất rõ tâm lý của HS, đặc điểm năng lực của từng HS và cũng là người tiếp cận trực tiếp các bộ SGK, GV sẽ chủ động tiếp cận, chọn lọc nội dung kiến thức phù hợp của các bộ SGK để giảng dạy cho các em.
"HÀNH TRÌNH" 3 LẦN THAY ĐỔI QUY ĐỊNH VỀ CHỌN SGK
Theo Thông tư số 01 Bộ GD-ĐT ban hành ngày 30.1.2020, quyền quyết định lựa chọn SGK là của các cơ sở giáo dục phổ thông. Mỗi trường thành lập một hội đồng chọn SGK dưới sự điều hành của hiệu trưởng. Hội đồng có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và GV dạy các môn học, hoạt động giáo dục. Thông tư này áp dụng duy nhất cho năm học 2020 - 2021, năm đầu tiên thực hiện "thay sách".
Đến ngày 26.8.2020, Bộ GD-ĐT lại ban hành Thông tư số 25 thay thế Thông tư 01 về chọn SGK. Hội đồng lựa chọn SGK do UBND cấp tỉnh thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn SGK thay vì giao cho mỗi nhà trường như Thông tư 01.
Lý giải việc quy định về quyền lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục chỉ được thực hiện cho việc lựa chọn SGK lớp 1 năm học 2020 - 2021, khi ấy đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, từ ngày 1.7.2020, luật Giáo dục (sửa đổi) mới có hiệu lực thi hành với quy định "UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn" (điểm c khoản 1 điều 32). Trong khi đó, việc tổ chức lựa chọn SGK lớp 1 mới để áp dụng cho năm học 2020 - 2021 phải được tổ chức lựa chọn từ đầu năm 2020 và công bố kết quả trong tháng 5.2020 để các nhà xuất bản có SGK được chọn tổ chức in ấn, phát hành… kịp cho khai giảng năm học vào tháng 9.2020.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá: "Quy định lựa chọn SGK phổ thông tại Thông tư 25 của Bộ GD-ĐT chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương. Thậm chí, tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh". Thậm chí, có đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại có "lợi ích nhóm" hoặc tình trạng "đi đêm" trong quá trình chọn SGK...
Trước những bất cập sau 3 năm học lựa chọn SGK theo Thông tư 25, Bộ GD-ĐT đã phải dự thảo thông tư mới về quy định chọn SGK, trong đó điểm mới đáng chú ý nhất là quyền lựa chọn SGK được trả lại về các nhà trường thay vì UBND cấp tỉnh như Thông tư 25. Chủ tịch hội đồng là hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm về hoạt động, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch làm việc của hội đồng và giải trình về việc lựa chọn SGK của cơ sở.
Ủng hộ chủ trương trả lại quyền chọn SGK về cho cơ sở giáo dục, nhưng hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội phải thốt lên: "Việc hơn 3 năm có tới 3 quy định khác nhau về lựa chọn SGK mà quy định nào cũng vô cùng phức tạp cho thấy chúng ta vẫn đang rất thiếu niềm tin về khâu lựa chọn SGK. Khâu phức tạp nhất là biên soạn, thẩm định, phê duyệt SGK còn một việc lẽ ra rất giản dị là lựa chọn SGK nào thì chỉ cần người dạy và người học thấy phù hợp là được. Dự thảo lần này ngót 8 trang A4, phức tạp hóa một việc giản dị, cột trách nhiệm chằng chịt cho hàng trăm người, từ GV trực tiếp dạy học đến "ông quan đầu tỉnh"".
HỌC SINH TỰ CHỌN SGK ĐƯỢC KHÔNG?
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, cũng đã đề nghị Bộ GD-ĐT đánh giá có thể thực hiện việc áp dụng cùng lúc nhiều bộ SGK cho từng môn học ở cùng một cơ sở giáo dục hay không; sự cần thiết sửa đổi quy định để thực hiện thống nhất việc lựa chọn SGK và giao cơ sở giáo dục có quyền chủ động trong việc lựa chọn SGK, hướng tới để quyền lựa chọn SGK là của HS, GV, phụ huynh.
Trao đổi với Thanh Niên,ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), đơn vị xây dựng dự thảo, cho biết việc trao quyền lựa chọn SGK cho GV, HS, cha mẹ HS là thực hiện nguyên tắc dân chủ tốt nhất và phù hợp nhất.
Ông Thành cũng cho biết dự thảo xây dựng vẫn đảm bảo tuân thủ luật Giáo dục khi yêu cầu: "Căn cứ vào kết quả của các trường do sở GD-ĐT trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn SGK của các trường tại địa phương. Sau đó, UBND tỉnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục SGK mới được phê duyệt để sử dụng trong các trường trước 30.4 hằng năm".
Trả lời câu hỏi về việc có quy định về việc HS có thể học SGK không trùng với SGK được chọn hay không, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng không có quy định nào bắt buộc HS phải có SGK mới được đi học hoặc được vào lớp học. Vấn đề đặt ra là năng lực của GV có thể đáp ứng việc dạy một lớp mà HS sử dụng nhiều SGK khác nhau không.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: "Chương trình là thống nhất, sách giáo khoa là học liệu"
Trước đó, trả lời đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng: "Chương trình là thống nhất, SGK là học liệu, nhiều SGK góp phần làm phong phú nguồn học liệu để GV và HS được tiếp cận. Đối với mỗi môn học, GV và các HS có thể sử dụng cùng lúc nhiều bộ SGK. Tuy nhiên, cùng một yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình GDPT 2018, các SGK có cách tiếp cận khác nhau, sử dụng học liệu khác nhau. Để hướng dẫn HS học tập cùng một thời điểm với nội dung trên nhiều nguồn học liệu khác nhau là việc rất khó, đòi hỏi GV có nghiệp vụ sư phạm cao, HS tự giác học tập và sĩ số lớp không quá đông. Trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều cơ sở chưa đáp ứng được điều kiện này".